Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Tái cơ cấu VNPT theo hướng nào?


Hiện tại dù vẫn đang phát triển tốt, song VNPT đang phải đứng trước lựa chọn khó khăn đối với MobiFone.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng vừa có trả lời chính thức trước đồn thổi về việc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ sáp nhập 2 mạng di động trực thuộc là MobiFone và VinaPhone với nhau. Ông Lê Nam Thắng khẳng định, hiện Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này. 

Theo đó, phương án 1 là VNPT sẽ tiến hành cổ phần hóa MobiFone theo đúng tinh thần của Nghị định 25 mới được ban hành và VNPT sẽ sở hữu hữu không quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của mạng động này. Phương án thứ hai là gộp hai mạng di động VinaPhone và MobiFone và Phương án thứ 3 là cổ phần hóa toàn tập đoàn. Ông Vũ Tuấn Hùng - Tổng giám đốc VNPT khẳng định: “Đây không còn là mệnh lệnh hành chính từ phía Chính phủ mà đã là nhu cầu tự thân của chính VNPT”. Việc tái cơ cấu sẽ giúp VNPT sắp xếp lại cơ cấu, bộ máy, sớm ổn định hoạt động và đối phó hiệu quả hơn với bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn và thách thức của năm 2012.

Khách hàng nộp cước phí Vinaphone tại trung tâm thu cước Q1, TP HCM. Ảnh: Nguyễn Hữu.

Công ty Thông tin di động VMS ra đời năm 1993 và trở thành doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh dịch vụ thông tin di động GMS 900/1800 với thương hiệu MobiFone. Liên tục 19 năm, Mobifone chiếm lĩnh vị trí số một về thị phần thuê bao. Thương hiệu này cũng được định giá hàng tỷ USD. 

Hiện tại dù vẫn đang phát triển tốt, song VNPT đang phải đứng trước lựa chọn khó khăn đối với MobiFone…

Hai chọn một
Từ tháng 6.2011, Nghị định 25 hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông có hiệu lực, trong đó quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp (DN) viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của DN khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ. Nghị định này đẩy VNPT vào thế bí, bởi muốn thỏa mãn được Nghị định đó chỉ có 2 cách: giữ lại một DN và bán 80% cổ phần của DN kia (tức CPH). Phương án đó nghe có vẻ là tốt, vì nó sẽ tái cấu trúc vấn đề sở hữu. Một phương án nữa đó là sáp nhập 2 DN thuộc VNPT. Vì thế, VNPT phải tự chủ động đề xuất lộ trình thoái vốn ở MobiFone hoặc VinaPhone.

Trước đây, TS Nguyễn Quang A cực lực phản đối việc sáp nhập MobiFone vào Vinaphone, vì đây là “phương án tồi tệ”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bản thân ông thừa nhận, phương án bán 80% cổ phần của một DN nghe có vẻ dễ, nhưng làm rất khó vì khó tìm được người mua, trả giá tử tế. Quan trọng hơn, phương án đó không tạo sự khuyến khích cho VNPT vì họ mất quyền kiểm soát. Do đó, VNPT không có động lực nào để cổ phần hóa DN của họ, kết quả là doanh số, nhân lực của VNPT giảm đáng kể. Vì vậy, phương án thứ hai, đó là sáp nhập hai DN này lại, sẽ thỏa mãn Nghị định 25.
 
Vướng Luật Cạnh tranh

Tuy nhiên, theo TS Quang A, phương án này cũng không ổn vì “vướng” điều 18 Luật Cạnh tranh. Ông Vũ Bá Phú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), cho biết hiện Bộ Công thương và Bộ Tài chính chưa nhận được phương án tái cấu trúc các DN của VNPT.

Tuy nhiên, ông Phú đồng tình với TS Quang A, nếu VNPT muốn sáp nhập VinaPhone và MobiFone thì kế hoạch đó sẽ nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Cụ thể, điều 18 của Luật Cạnh tranh có quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% thị trường liên quan. Trong khi đó, nếu VinaPhone và MobiFone tập trung lại sẽ có thị phần trên 50% nên sẽ vi phạm. Do vậy, nếu VNPT vẫn muốn được chấp thuận thì sẽ phải xin được miễn trừ đối với trường hợp này. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh đưa ra hai trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm. Thứ nhất, sẽ được áp dụng đối với trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì DN khác có thể mua vào và thị phần vượt quá 50%. Thứ hai, việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

Ông Vũ Bá Phú cho biết VNPT sẽ phải làm hồ sơ đề nghị được miễn trừ và trình cơ quan chức năng xem xét có thuộc loại được miễn trừ hay không. Tuy nhiên, cả hai khả năng này đều khó áp dụng đối với trường hợp của VNPT. 

Cũng có ý kiến bán một trong hai DN viễn thông cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), theo TS Trần Đình Thiên, “sẽ không giải quyết được vấn đề gì cụ thể vì cuối cùng SCIC cũng phải thoái vốn. Chắc chắn VNPT cũng không đồng tình”. 

Trong trường hợp MobiFone và VinaPhone được sáp nhập, VNPT sẽ nắm giữ khoảng 58% thị phần di động Việt Nam. Ngoài ra, mạng di động mới còn quản lý nhiều đầu số nhất (chỉ riêng dải 09, VNPT đã nắm giữ tới 4/10 bao gồm: 090, 091, 093 và 094). Hiện hai mạng di động này đang nắm giữ gần 80 triệu thuê bao. Chính vì vậy, thông tin về khả năng sáp nhập hai nhà mạng cũng làm không ít “thượng đế” băn khoăn về sự xáo trộn và quyền lợi trong quá trình hợp nhất. Trước lo ngại này, đại diện của VNPT khẳng định đã có kế hoạch và hai nhà mạng này sau khi sáp nhập sẽ dùng chung hạ tầng nhưng đầu số di động mà khách hàng đang dùng vẫn được giữ nguyên.
Telcom6(theo Đất Việt)

Không có nhận xét nào: